Tư vấn gia đình
Xây dựng gia đình hạnh phúc
NEWS  |  TAGS

  • Khám phá
  • Nghệ An - Phát huy thế mạnh làng nghề ven biển

Nghệ An - Phát huy thế mạnh làng nghề ven biển

Bên cạnh việc phát huy những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, tiềm năng nuôi trồng, khai thác thủy - hải sản, phát triển dịch vụ, du lịch... các làng nghề của Nghệ An cũng khá phong phú.

Thuận và khó

 Hiện nay, Nghệ An có 126 làng được công nhận làng nghề; trong đó có 42 làng nghề mây tre đan xuất khẩu; 23 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; 10 làng nghề chiếu cói, chổi đót, giấy dó; 27 làng nghề đóng tàu thuyền, mộc dân dụng, mỹ nghệ, chẻ chu hương, hương trầm; 10 làng nghề chế biến hải sản; 7 làng nghề ươm tơ, móc sợi; 2 làng nghề sản xuất gạch ngói, cơ khí và 5 làng nghề cây cảnh...

Năm 2013, giá trị sản xuất của các làng nghề đạt trên 1.850 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 43.000 lao động với thu nhập từ 9 - 35 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, quy hoạch các làng nghề ven biển Nghệ An vẫn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị chắp vá, thiếu đồng bộ. Từ đó nảy sinh vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực là mây tre đan vẫn bị động trong khâu vật liệu và tiêu thụ nên giá trị thu nhập không cao. Các sản phẩm truyền thống như chế biến hải sản, đóng mới tàu thuyền đã tồn tại từ lâu nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu. Sản phẩm mới du nhập ít và phụ thuộc nhiều vào đầu ra. Số lượng làng nghề, làng có nghề vùng ven biển quá nhỏ so với cả tỉnh, thu nhập của người lao động thấp...

Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển và xây dựng làng nghề ở các huyện, xã theo quy hoạch, gắn với thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới; chú trọng duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới; phát triển ngành nghề theo thế mạnh lao động, tài nguyên trên từng địa bàn, với mục tiêu đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm sau cao hơn năm trước, trong đó có đóng góp giá trị sản xuất đáng kể từ làng nghề.

Giải pháp tháo gỡ

UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương phát triển tiểu thủ công nghiệp; xác định làng nghề là lĩnh vực đa ngành, đa nghề. Trước hết là tổ chức sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, các địa phương khôi phục và nhân rộng các mô hình làng truyền thống như: chế biến hải sản vùng biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò; thực hiện mô hình sản xuất nghề mây tre đan theo hướng tập trung, chuyên môn hóa ở xã Nghi Thái (Nghi Lộc), Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, sau đó nhân rộng ra các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn...

Để phát huy thế mạnh các làng nghề ven biển, đồng thời từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường, thời gian tới, các ngành liên quan sẽ tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng, qua đó phân loại làng nghề theo tiêu chí: làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sẽ từng bước di dời vào các khu, cụm công nghiệp; đồng thời, hỗ trợ kinh phí, giải pháp kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, xử lý chất thải phù hợp từng lĩnh vực sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải.