Tư vấn gia đình
Xây dựng gia đình hạnh phúc
NEWS  |  TAGS

  • Khám phá
  • Giật mình với tỷ suất sinh lợi thấp

Giật mình với tỷ suất sinh lợi thấp

Tổng doanh thu thuần của 16 công ty có hoạt động kinh doanh khoáng sản trong quý 2/2014 đạt 437 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt 862 tỷ đồng, giảm 25% so với 6 tháng đầu năm 2013.

Khoáng sản đã từng là ngành “hót” của thị trường chứng khoán bởi tư duy cũ: xúc tài nguyên lên mà bán thì gì mà không có lời? Ấy thế mà quan điểm đó giờ đã không còn phù hợp. Các công ty khoáng sản những năm gần đây đã xuống dốc không phanh từ sau hàng loạt những quy định thắt chặt việc khai thác tài nguyên được ban hành.

Trên sàn niêm yết vẫn còn 3 doanh nghiệp khoáng sản chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2014 là Fecon Mining (FCM), LBM và MIM (Mimeco-Khoáng sản và cơ khí).

Vẫn có doanh nghiệp thua lỗ triền miên

Quý 2/2014, ngành khoáng sản đã phải chia tay hai doanh nghiệp rời sàn niêm yết. Cổ phiếu MIC của Khoáng sản Quảng Nam từng một thời đạt mức giá trên 100 nghìn đồng/cổ phiếu nay rời sàn với việc thua lỗ 3 năm liên tiếp, thị giá trước khi rời sàn chỉ còn 4.800 đồng/cp.  Cổ phiếu MMC của khoáng sản Mangan cũng phải rời sàn bởi thua lỗ triền miên.

Trong số các doanh nghiệp ngành khoáng sản đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng thì quý 2 năm nay chỉ có 2 doanh nghiệp thua lỗ trong khi cùng kỳ là 3 doanh nghiệp.

Triền miên nhất là Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) với quý lỗ thứ 11 liên tiếp. Qúy lỗ thứ 11 tức đã gần 3 năm ròng công ty chưa biết đến đồng lãi. Và, cũng tức là công ty đối diện án hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả 6 tháng cuối năm 2014 không thực sự bứt phá.

SQC của khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn là một doanh nghiệp có vốn điều lệ khá lớn-đạt 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây hoạt động kinh doanh của công ty khá thất thường, lúc thì lãi hàng trăm tỷ như năm 2012, lúc lại lỗ như năm 2013 và 6 tháng năm 2014.

Doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 6 tháng bình quân vẫn giảm so với cùng kỳ

Tổng doanh thu thuần của 16 công ty có hoạt động kinh doanh khoáng sản trong quý 2/2014 đạt 437 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt 862 tỷ đồng, giảm 25% so với 6 tháng đầu năm 2013.

Doanh thu thuần sụt giảm, chi phí đội lên cùng với việc hạn chế kinh doanh ngoài ngành nên 16 doanh nghiệp khoáng sản chỉ lãi tổng cộng hơn 30 tỷ đồng quý 2, giảm 58% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng lãi hơn 70 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái.

HGM của Khoáng sản Hà Giang cũng công bố lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ. Nguyên nhân được công ty lý giải là do sản lượng tiêu thụ quý 2 giảm gần 28%; giá bán giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm 2013 trong khi đó lại phải đối mặt với giá vốn tăng do chi phí xúc đất đá thải tăng vọt, khấu hao tài sản tăng cao và thuế tài nguyên tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái do Nhà nước tăng thuế suất từ 10% lên 18%.

Hay như Khoáng sản Lào Cai, quy mô vốn điều lệ đạt 246 tỷ đồng thì doanh thu vốn đã eo hẹp của công ty nay lại càng eo hẹp hơn với hơn 900 triệu đồng cho kỳ quý 2 và 3,46 tỷ đồng cho kỳ 6 tháng. Nguồn thu nhập của công ty chủ yếu từ hoạt động tài chính với 1,26 tỷ đồng quý 2 và 2,5 tỷ đồng 6 tháng. LCM lãi chưa đầy 750 triệu đồng quý 2/2014 nâng khoản lãi 6 tháng đầu năm lên 1,36 tỷ đồng, giảm sâu so với khoản lợi nhuận vốn đã ít ỏi cùng kỳ là 8,75 tỷ đồng.

Vài doanh nghiệp vui mừng báo lãi tăng trưởng

Công ty Cổ phần Khoáng sản và Cơ khí (MIM) chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm nhưng công ty dự ước Lợi nhuận trước thuế quý 2/2014 đạt 20 triệu đồng. Đây là một con số khiêm tốn tuy nhiên lại là tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty bởi MIM đã lỗ liên tiếp 5 quý trước đó.

Đáng chú ý trong ngành khoáng sản là sự tăng trưởng đột biến của CMI-CMIStone Việt Nam. Quý 2 và 6 tháng đầu năm nay, CMI đều đạt tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Nguồn thu kỳ này của CMI chủ yếu là xuất bán quặng sắt.

Giật mình với tỷ suất sinh lợi cực thấp

Tổng vốn điều lệ của 16 doanh nghiệp khoáng sản đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm là 3.440 tỷ đồng trong đó lớn nhất là SQC với 1.100 tỷ đồng. Khá nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng như BGM, CMI, HGM, KSA, KSB, KSH, KSS, KTB, LCM.

3.440 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng 16 doanh nghiệp này chỉ tạo ra tổng cộng 72 tỷ đồng lãi sau thuế. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ thấp bất ngờ: chỉ đạt hơn 2%!