Tư vấn gia đình
Xây dựng gia đình hạnh phúc
NEWS  |  TAGS

Từ bán hột vịt lộn thành nữ đại gia

Chị Vũ Thị Bích Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Thảo Loan.

Hẹn hò mãi rồi tôi cũng gặp được chị. Người đàn bà bước ra từ căn phòng làm việc buổi chiều muộn Sài Gòn ngồi trước mặt tôi đây nở nụ cười thật tươi chào tôi nhưng vẫn không giấu nổi nét mệt mỏi của một ngày đầy bận rộn. Nhìn những căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê hiện đại… ở mảnh đất phương Nam ngập tràn nắng ấm này, ít ai biết nó được tạo nên bởi một người phụ nữ chỉ có hai bàn tay trắng, chiếc xe đạp, hai đứa con thơ và một cuộc đời cay cực dồn đuổi. Chị là  Vũ Thị Bích Loan- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần  Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Nhà Thảo Loan.

Bằng một nụ cười hồn nhiên đến nhẹ lòng, người đàn bà ấy đã mở đầu câu chuyện về cuộc đời mình bằng một hồi ức nhiều kỷ niệm. Chị kể :

“Dù bao nhiêu năm đã trôi qua, và cuộc đời đã thay đổi thật nhiều, cho đến bây giờ nghĩ  lại cảnh cơ hàn, nghèo khó, tôi vẫn còn sợ, nhưng thật kỳ lạ, không bao giờ tôi muốn quên và giấu giếm. Dù phải bước vào đời bằng gánh nặng mưu sinh nhưng tôi vẫn tự hào vì được mẹ dạy dỗ tử tế. Mẹ tôi là một người phụ nữ gốc Bắc, tuy ít học nhưng bà rất am tường đạo lý, quanh năm bươn chải tảo tần, đầu tắt, mặt tối nhưng lúc nào mẹ cũng dạy tôi “nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Tuy chỉ học hết lớp 10 nhưng tôi làm văn hay và tính nhẩm nhanh thì khỏi chê. Sáu năm trời phụ mẹ bán hột vịt ở chợ Trương Minh Giảng, tôi được gắn biệt danh “Loan hột vịt”. Những ngày giáp Tết, nhìn người ta chộn rộn sắm sửa quần quần, áo áo mà thấy thèm, bởi lúc ấy tôi vẫn còn phải mướt mồ hôi để đảo từng mẻ mứt cho kịp phiên chợ Tết. 3 giờ sáng lại bươn bả chạy ra chợ Cầu Ông Lãnh để kéo về vài cần xé trái cây mà ngồi bày bán ở vỉa hè…”

Doanh nhân Vũ Thị Bích Loan trong Lễ Trao giải “Bông Hồng Vàng 2007”.
“Tưởng là lấy chồng sẽ thoát được cảnh nghèo, sẽ được yên ấm tấm thân, nào ngờ cuộc đời tôi  cũng chẳng sáng sủa gì hơn, vẫn phải lặn lội buôn hàng chuyến, mua tôm khô, cá khô, hột vịt lộn về bỏ mối, xuống tận Rạch Giá mua heo giống về bán. Lặc lè vác cái bụng bầu đứa con đầu được tám tháng, tôi vẫn phải phơi mặt ngoài đường để bán đồ lạc xoong, vịt chiên, vé số mà vẫn không đủ ăn. Cuộc đời cay cực,  tôi thấm thía sâu sắc  nỗi cay đắng của cảnh nghèo. Nhưng  thật kỳ lạ: Cực khổ là vậy nhưng tôi vẫn không thấy nản lòng. Giờ ngẫm lại càng thấy thấm thía: Chính những ngày cực khổ đó đã cho tôi biết vị mặn đắng của cảnh nghèo mà cố phải vươn lên”.

Sinh con thứ hai được ba tháng, có người hàng xóm nhờ tìm mua nhà, đang lúc khó khăn một nách hai con, đi làm không ai mướn, đi buôn không có tiền nên chị  cũng đánh liều mà nhận lời. Ai ngờ phi vụ đầu tiên, chị được nhận hoa hồng là 5 phân vàng. Thấy công việc này cũng thích hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình, vừa đi làm vừa chăm sóc gia đình và cho con đi học, việc may mắn thành công ban đầu đã cho chị linh cảm “ở hiền gặp lành” được Trời Phật phù hộ và cho mình một cơ hội, nên chị dùng số tiền dành dụm được mua ngay một chiếc xe đạp để vào nghề. Hàng ngày, ba mẹ con chị cứ ròng rõng trên chiếc xe đạp chở nhau đi lùng sục dẫn mối nhà. Con đói thì ngồi xuống lề đường cho bú, con ngủ thì đặt chiếc gối trên ghi đông xe cho con tựa đầu… Cứ thế, năm tháng nhọc nhằn rồi cũng trôi đi.

Tưởng là ngon ăn nhưng nghề nào  cũng có  lắm nhọc nhằn. Phải am hiểu pháp lý thủ tục và điều kiện ràng buộc giữa hai bên để tự soạn thảo hợp đồng mua bán viết bằng tay, chịu trách nhiệm hai bên với tư cách người làm chứng. Mỗi khi hẹn khách đi xem nhà, chị phải canh giờ chủ đi làm về mới xin cuộc hẹn được để chạy về gặp bên mua thông tin lại, vì thời đó có rất ít nhà có điện thoại. Làm “cò” như chị thật không dễ, bởi nó giống như là nghề câu cá, có khi đến hai, ba tháng mà không câu được người khách nào, nhưng khi có khách thì không ít người lại ngại …cò. Ngại vì sợ chị kê giá quá cao, ngại vì sợ mình bị gạt. Hiểu được tâm lý này, chị không bao giờ tăng giá mà chỉ “ăn” đúng theo hoa hồng. Làm cái nghề gần gũi với đồng tiền đến như vậy nhưng chị vẫn tự răn mình không được tham lợi. Chị tâm niệm: Làm dịch vụ cái quan trọng nhất là phải tạo được lòng tin nơi khách hàng, khi khách hàng có thay đổi ý định mình cũng không được nóng nảy. Càng kiên nhẫn theo đuổi, chị lại càng chắt bóp thêm cho mình nhiều kinh nghiệm.
Thời bao cấp, ít ai dám mua bán nhà biệt thự nên làm “cò” dạng nhà này rất khó ăn, chẳng ai muốn nhảy vào. Nhưng hình như ông trời thương chị mà giúp chị ráp nối mua bán rất suôn sẻ. Không chỉ môi giới, chị còn giúp hai bên làm giấy tờ, đổi vàng, bàn giao nhà, tư vấn xây dựng…Nghĩa là làm tất cả các thủ tục cần thiết cho việc mua bán đúng quy định mà không đòi hỏi thêm bất kỳ chi phí nào. Tiếng lành đồn xa, cứ người này mách nước cho người kia, uy tín của chị tăng lên, hễ ai muốn mua, bán nhà lớn, nhỏ hay biệt thự là lại tìm đến chị.

Từ việc môi giới nhà đất, chị nảy ra ý định mua bán những căn biệt thự có “hợp đồng xanh”.  Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn nhiều mà rủi ro rất cao, muốn mua phải thuyết phục nhiều hộ vì một biệt thự “dạng nhà nước” có nhiều gia đình ở. Chỉ cần chín người đồng ý mà một người không thì coi như công lao của mình đổ xuống sông, xuống biển. Khi họ đồng ý bán, mình phải đi xin hóa giá, ứng tiền trước cho người ta đóng tiền hợp thức hóa nhà và đi mua nhà chỗ khác.  Khi có chủ quyền hợp pháp thì chị lại thấp thỏm  hồi hộp và nơm nớp lo âu bởi không tránh khỏi chuyện có những người bàn ra, tán vào khiến chủ nhà đòi thêm tiền hoặc không bán nữa…Nhưng chị bảo: “ Tôi thật may mắn vì chưa hề có vụ kiện tụng nào cũng như chưa bị ai thất hứa bao giờ”.

Chị Vũ Thị Bích Loan trong Lễ Trao giải “Doanh nhân Tâm và Tài 2008”.
Năm 1990 – 1991 có thể coi là một bước ngoặt trong cuộc đời của chị. Đó chính là những năm cơn sốt nhà đất nổi lên và cũng là năm chị “thắng” được nhiều nhất. Lần đầu tiên chị mua được một căn nhà bằng chính nghề “cò” của mình rồi chị tự thiết kế và thuê thợ về xây dựng theo ý mình. Với diện tích 7.5 m2  x 12 m2, một trệt hai lầu, hiện tại  căn nhà vẫn còn đẹp và kiên cố. Sau đó chị dành dụm mua được chiếc xe đò chạy Sài Gòn- Cần Thơ, mua thêm căn nhà nữa rồi lại bán, lại mua, cứ thế mà lớn dần lên. Thời đó, với cách tính toán nhanh nhạy và khéo léo, hễ bán một căn nhà  là chị đã có lãi từ 30- 50 cây vàng, rồi năm 1993 xây nhà cho hãng hàng không  Pháp thuê, lấy tiền đặt cọc một năm của họ để xoay tiếp, và chỉ hơn hai năm, chị đã thu lại vốn.
Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con để bây giờ chị đã có trong tay một cơ ngơi đàng hoàng với thương hiệu “Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng, kinh doanh nhà Thảo Loan” do chị làm Chủ tịch Hội đồng thành viên điều hành và quản lý gần 100 nhân viên, một đội ngũ ban quản lý dự án và giám sát  công trình, 20  nhân viên thiết kế uy tín, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Uy tín là thế nhưng khi đàm phán công việc, Thảo Loan vẫn luôn đặt vị trí của mình vào đối tác để xử lý công việc một cách có lý, có tình nhất, bởi theo chị đó cũng là đạo lý không thể thiếu trong kinh doanh. Tham gia nhiều công trình kiến trúc xây dựng có quy mô lớn, Thảo Loan đã tạo được những dấu ấn tốt đẹp cho một  thương hiệu Việt trong ngành xây dựng. Cuối năm 2007 chị vừa xây xong một cao ốc văn phòng ở số 67 Nguyễn Thị Minh Khai. Đã có nhiều đơn vị muốn mua, nhưng cuối cùng chị đã đồng ý nhượng lại cho Công ty Khang Thông vì chị Phương Thảo và chị Thảo Loan luôn chung vai gắn bó với nhau trong những công tác từ thiện. Hiện giờ, chị là chủ sở hữu của rất nhiều căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê ở khu nhà cao cấp Mỹ Vinh,Trần Quốc Thảo, Trần Cao Vân, chung cư Nguyễn Văn Cừ. Trong kế hoạch kinh doanh sắp tới, chị đang nung nấu ý định sẽ xây khu nhà nghỉ dưỡng cao cấp cho người già.
Giới kinh doanh địa ốc  ở Sài Gòn gọi chị là “ nữ đại gia” với hàm ý nói về công việc chị đang làm: Không chỉ xây lên những ngôi nhà lớn mà chị còn là nhân vật tầm cỡ trong giới kinh doanh. Chị chia sẻ: Để Thảo Loan là một tên tuổi uy tín như hôm nay là cả một quá trình gây dựng chữ  “tín” không mệt mỏi suốt 23 năm qua của chị. Vẫn biết việc xây nhà là việc của đàn ông nhưng với chị đó lại là một niềm đam mê không dứt được. Chị bảo mình là một người rất quyết đoán trong công việc; hoặc là làm ngay hoặc là không làm chứ không có chuyện chần chừ, do dự. Chính vì vậy mà khi cần giải quyết  công việc gì liên quan đến kinh doanh, chị đều có những quyết định dứt khoát và sáng suốt, nếu không “sai một ly sẽ đi một dặm”.
Hỏi chị ở cái tuổi phụ nữ đang vào độ “mặn mà” mà vẫn cứ một thân, một mình như chị, chị có thấy cô đơn, khuôn mặt người đàn bà đôn hậu ấy chợt thoáng một nét buồn: Hai lần đò đều đổ vỡ nhưng tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vì tôi đã nếm trải đủ cả hạnh phúc lẫn đau khổ rồi. Có lẽ vì không có sự ràng buộc vợ chồng mà tôi mới có thời gian để dồn toàn tâm, toàn ý cho công việc và mới có được thành công như ngày hôm nay. Gia tài lớn nhất của tôi bây giờ là hai đứa con, cả hai con của tôi đều rất hiểu và thương mẹ. Tôi cho con đi du học về quản lý kinh doanh điều hành tại Mỹ để chuẩn bị cho bước mai sau các cháu trưởng thành sẽ tiếp quản Công ty của mẹ. Công việc mà tôi gây dựng giờ cũng đi vào guồng  quay, tôi không phải băn khoăn gì cả và cũng không mong mỏi gì nhiều vào hạnh phúc riêng tư. Đi qua cái khổ thì càng thương đồng loại. Tôi chỉ mong mình làm giàu để có thể giúp thêm được nhiều người nghèo khổ, cơ nhỡ, bất hạnh. Cộng đồng biết đến mình và có việc gì làm từ thiện thì đều kêu mình. Như vậy là mình hạnh phúc lắm rồi!
Chính vì tâm niệm “làm từ thiện mà tôi thấy đồng tiền mình làm ra có ý nghĩa hơn” đã khiến thương hiệu Thảo Loan còn như một thương hiệu thấm đẫm yếu tố nhân văn. Nhiều năm qua Công ty là nhà tài trợ chính cho cuộc vận động gây quỹ “Vì người nghèo” ở thành phố mang tên Bác, giúp đỡ và chia sẻ cùng những nạn nhân bão lụt ở miền Trung, những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Và công việc này vẫn được  Công ty Thảo Loan quan tâm một cách đều đặn…

Và những danh hiệu cao quý: Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu 4 năm liền  (2005, 2006, 2007, 2008), Doanh nhân Tâm và Tài 3 năm (2006, 2007, 2008), Danh hiệu giải “Cúp vàng Vì sự phát triển cộng đồng (2006-2007), danh hiệu “Bông Hồng Vàng” hai năm liền (2007-02008) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng là những phần thưởng ghi nhận rất lớn về sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi vươn lên để tự khẳng định mình của nữ Tổng giám đốc Vũ Thị Bích Loan. Con đường mà chị đi ngày hôm qua dẫu có nhiều đắng cay hơn vị ngọt nhưng với chị nó vẫn là một con đường  trải đầy hoa hồng, bởi chính những tháng ngày đầy cực khổ đó đã cho chị biết giá trị của đồng tiền, biết vị mặn đắng của cảnh nghèo và biết phải vươn lên.