Tư vấn gia đình
Xây dựng gia đình hạnh phúc
NEWS  |  TAGS

Lao đao tranh Việt

Tranh không bán được! Đó là thực trạng đáng buồn của giới mỹ thuật TPHCM khoảng vài năm trở lại đây. Nạn tranh giả, tranh dỏm, tranh nhái, tranh sao chép tràn lan đã làm hại những người cầm cọ chân chính.

Rất nhiều họa sĩ (HS) than thở không thể sống bằng tiền bán tranh, phải chuyển qua mưu sinh bằng các nghề khác: Trịnh Cung viết báo; Nguyễn Thị Tâm nhận dạy vẽ tại tư gia; Lê Vượng kinh doanh khách sạn; Nguyễn Huệ mua bán nhà đất; Trịnh Thanh Tùng bỏ vẽ tranh quay sang nặn tượng và... làm thơ; Đỗ Hoàng Tường minh họa, trình bày sách, tạp chí; Hoài Hương nhận trang trí thiết kế nội thất; Cù Nguyễn, La Hon mở cửa hàng bán tạp hóa tại nhà; Trần Hoan montagne báo! Ngay như “vua tranh chợ” Nguyễn Thanh Bình, năm vừa qua cũng điêu đứng do khách tẩy chay cung cách sáng tác tranh theo “công nghệ dây chuyền”, thậm chí HS Nguyễn Thân phải mưu sinh bằng cách đi... thổi kèn saxophone.


Chợ Tết - tranh thủy mặc của Trương Lộ

Thật buồn, khi những cuộc triển lãm tranh, tượng tổ chức ở Hội Mỹ thuật TP, Nhà triển lãm TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP, Khu du lịch Bình Quới không những vắng bóng khách mua mà người thưởng lãm cũng dần thưa thớt, một phần do ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhưng nguyên nhân tranh ế bắt nguồn từ cung cách sáng tác theo kiểu “ăn xổi” của không ít HS (yếu đầu tư, thiếu tâm huyết). Họ không dám sáng tạo để tìm phong cách thể hiện mới mang tính đột phá mà chỉ quanh quẩn ngồi “rung đùi” thực hiện những đề tài rập khuôn, cũ mòn đến nhàm chán (cá, thiếu nữ, hoa), sử dụng chất liệu kém chất lượng (sơn dầu Trung Quốc, Đài Loan, hàn Quốc). Thực tế cho thấy nhiều năm qua nhờ vào uy tín và chất lượng tranh, một số cây cọ như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm vẫn “sống khỏe” do tranh bán được giá cao (tất nhiên phần lớn người mua là khách nước ngoài, Việt kiều hay “lái” tranh), riêng HS Đỗ Quang Em “vẽ không kịp bán”! Gallery Phương Mai đã đóng cửa, sắp tới sẽ đến lượt gallery Tự Do (bà chủ Thu Hà hiện đang rao bán 120 tỷ đồng) - một viễn cảnh buồn cho hội họa TP.